loc nuoc | xu ly nuoc| khoan gieng | xu ly nuoc thai | day chuyen loc nuoc tinh khiet

 

Cấp cứu thành công ca ngừng tim do chửa ngoài tử cung vỡ mất máu cấp tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì

 

CẤP CỨU THÀNH CÔNG CA NGỪNG TIM DO CHỬA NGOÀI TỬ CUNG VỠ MẤT MÁU CẤP TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN BA VÌ

Ngày 26 tháng 11 năm 2016, tại phòng cấp cứu bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì đã tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, kíp cấp cứu đã tiến hành cấp cứu, hồi sức tích cực, phẫu thuật giải quyết nguyên nhân sau khi tình trạng tạm ổn định được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây bệnh nhân đã được áp dụng các kỹ thuật hiện đại như thông khí nhân tạo, hạ nhiệt độ chỉ huy, lọc máu liên tục… đến nay bệnh nhân đã hồi phục gần như hoàn toàn.

Đó là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Liễu sinh năm 1982, quê Cổ Đô – Ba Vì – Hà Nội, Trước khi vào viện khoảng 2 giờ (16 giờ, 26/11/2016), xuất hiện đau bụng âm ỉ vùng hạ vị, ở nhà không xử trí gì, đau ngày một tăng. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, đau bụng hạ vị dữ dội, kèm theo có hoa mắt và chóng mặt, bệnh nhân được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì trong tình trạng ngừng tuần hoàn (tử vong ngoại viện). Bệnh nhân được các kíp trực tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức (ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng ambu, đặt nội khí quản, trợ tim bằng adrenalin, bù dịch) và khoảng 5 phút sau thì tuần hoàn được tái lập (tim đập lại).

            Song song với việc cấp cứu, kết hợp với khai thác tiền sử, các dấu hiệu lâm sàng của người bệnh và kết quả siêu âm tại giường kíp trực đã nhanh chóng xác định đây là trường hợp “Ngừng tuần hoàn sau sốc mất máu do chửa ngoài tử cung vỡ”. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức bằng thông khí nhân tạo qua ống nội khí quản, truyền dịch, truyền máu, thuốc co mạch (adrenalin) và mổ cấp cứu để giải quyết nguyên nhân. Khi mở ổ bụng bệnh nhân, các bác sĩ thấy khối chửa ở sừng phải của tử cung đã vỡ, trong ổ bụng có khoảng 1500 ml máu loãng và 700 gram máu cục. Kết thúc cuộc mổ cấp cứu, bệnh nhân được chuyển về phòng hồi sức. Sau vài giờ, khi tình trạng lâm sàng của bệnh nhân ổn định hơn (mạch và huyết áp ổn định), bệnh nhân được chuyển tới khoa Cấp cứu (A9) bệnh viện Bạch Mai.

            Qua trường hợp trên cho thấy bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì nói chung và kíp trực nói riêng đã cố gắng, nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng phương tiện dụng cụ và thực hiện thành thạo các kỹ thuật về cấp cứu cơ bản và nâng cao, đồng thời sự phối hợp hết sức nhuần nhuyễn của kíp cấp cứu, kíp phẫu thuật và kíp hộ tống bệnh nhân, lái xe trên đường vận chuyển (Trên đường vận chuyển bệnh nhân vẫn được duy thở máy, theo dõi chức năng sống bằng monitor 5 thông số, sử dụng thuốc vận mạch truyền qua bơm tiêm điện, truyền dịch, truyền máu).

            Bên cạnh sự nỗ lực của bệnh viện, sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện Ba Vì với các bác sỹ của Trung tâm cấp cứu A9 Bạch Mai là vô cùng quan trọng trong việc cấp cứu và hồi sức cho bệnh nhân. Cụ thể trong trường hợp trên chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với Thạc sỹ Nguyễn Hữu Quân (TT Cấp cứu A9) để xin tư vấn trong việc cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân.

            Với những thành công bước đầu trong công tác cấp cứu người bệnh nặng, nguy kịch, bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì sẽ tiếp tục cải tiến nâng cao chất lượng, tích cực đào tạo cán bộ, tăng cường tập huấn chuyên môn, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện cấp cứu tại chỗ và trên đường vận chuyển đồng thời bệnh viện cũng mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các bệnh viện tuyến trên, các chuyên gia trong từng lĩnh vực để làm tốt công tác cấp cứu an toàn cho người bệnh đem lại sự sống và hạnh phúc cho người dân khi đến khám chữa bệnh, cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì

Bác sỹ: Nguyễn Ngọc Vinh – Trưởng phòng KHTH BV ĐK Ba Vì


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: