loc nuoc | xu ly nuoc| khoan gieng | xu ly nuoc thai | day chuyen loc nuoc tinh khiet

 

Quy chế giải thưởng tình nguyện quốc gia

GIẢI THƯỞNG TÌNH NGUYỆN QUỐC GIA  

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

***

 

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

 

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2014

 

QUY CHẾ

GIẢI THƯỞNG TÌNH NGUYỆN QUỐC GIA

(Ban hành kèm theo Quyết định số 598 - QĐKT/TWĐTN-ĐKTHTN

ngày 31 /7/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh)

---------------

 

 

CHƯƠNG I: QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1: Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia (gọi tắt là Giải thưởng) là Giải thưởng được trao hàng năm do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Chương trình tình nguyện Liên Hợp Quốc tổ chức, trao tặng cho cá nhân, tổ chức tình nguyện có cống hiến và thành tích xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cộng đồng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều 2: Mục đích của giải thưởng

1. Tôn vinh, động viên, cổ vũ và nhân rộng các điển hình tiêu biểu đã có những cống hiến và đóng góp xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cộng đồng.

2. Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, kêu gọi các tầng lớp thanh niên Việt Nam tình nguyện, sẵn sàng chung sức vì cộng đồng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

CHƯƠNG II: ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHÍ BÌNH CHỌN

 

Điều 3: Đối tượng xét trao giải

1. Các tổ chức tình nguyện:

Là các cơ quan, tổ chức chính phủ, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế hoạt động phù hợp với pháp luật Việt Nam; các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện được thành lập ít nhất 01 năm, có bộ máy quản lý điều phối ít nhất 03 người và tối thiểu 20 tình nguyện viên, có quy chế tổ chức hoạt động thống nhất. Nếu là tổ chức tình nguyện nước ngoài phải có văn phòng, chi nhánh hoạt động hợp pháp tại Việt Nam từ 02 năm trở lên.

2. Các cá nhân:

- Là công dân Việt Nam tuổi từ 16 trở lên đang sinh sống tại Việt Nam, hoặc đang sinh sống, học tập, lao động ở nước ngoài, có ít nhất 02 năm liên tục hoạt động tình nguyện với tư cách là tình nguyện viên (TNV) cho các tổ chức, câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; các hoạt động tình nguyện của TNV phải thiết thực và mang lại hiệu quả cao cho cộng đồng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Là công dân nước ngoài tuổi từ 18 trở lên có quá trình làm việc như một TNV tại Việt Nam ít nhất 01 năm trở lên thuộc một tổ chức có tư cách pháp nhân hay một tổ chức, chi nhánh được pháp luật Việt Nam cho phép hoạt động tình nguyện tại Việt Nam, có những đóng góp thiết thực, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.

Điều 4: Tiêu chí bình chọn

1. Đối với tổ chức:

- Cơ cấu tổ chức, nhân sự, điều hành: Cơ cấu tổ chức tinh gọn, hợp lý, chức năng nhiệm vụ rõ ràng; có kế hoạch và cách thức điều hành đảm bảo sự phát triển; duy trì và phát triển được thành viên.

- Hiệu quả hoạt động: Triển khai được nhiều chương trình, hoạt động tình nguyện có ý nghĩa thiết thực, mang lại hiệu quả cao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động, chương trình triển khai hướng đến góp phần giải quyết các vấn đề của cộng đồng, mang tính bền vững, nhất là tại những địa bàn và đối tượng khó khăn, thiệt thòi.

- Triển vọng phát triển: Tổ chức có tầm nhìn trong dài hạn, hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể, phù hợp với năng lực và thế mạnh của mình; có định hướng hoạt động trong những năm tiếp theo khả thi, mang lại những thay đổi rõ rệt trong cộng đồng.

- Sáng kiến, mô hình tình nguyện tiêu biểu: Đánh giá cao việc xây dựng được các mô hình hoạt động tình nguyện mới, hiệu quả, dễ dàng nhân rộng tại nhiều địa phương; sáng tạo và đổi mới trong cách thực hiện, triển khai. Ưu tiên các sáng kiến, mô hình tình nguyện mới mang tính đột phá.

2. Đối với cá nhân:

- Tinh thần cộng đồng: Cá nhân có nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao trong hoạt động vì cộng đồng, luôn sẵn sàng cống hiến, chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng và nhiệt huyết hoạt động tình nguyện tới những người xung quanh.

- Hiệu quả hoạt động: Cá nhân có cống hiến tích cực trong việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Đánh giá cao vai trò khởi tạo, quản lý, lãnh đạo triển khai các chương trình; có tinh thần chủ động sáng tạo thiết kế các hoạt động hiệu quả, lôi cuốn vận động được sự tham gia góp sức của đông đảo thanh thiếu niên và cộng đồng tham gia nhằm mang lại giá trị lớn nhất cho đối tượng hưởng lợi.

- Tầm nhìn, định hướng tương lai: Cá nhân có nhận thức sâu sắc về các vấn đề của cộng đồng; có định hướng hoạt động lâu dài hướng đến việc tạo nên những thay đổi cụ thể đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng.

- Sáng kiến, mô hình tình nguyện tiêu biểu: Đánh giá cao các cá nhân có các sáng kiến, ý tưởng, mô hình tình nguyện được triển khai thực hiện hiệu quả, dễ dàng nhân rộng; sáng tạo và đổi mới trong cách thực hiện, triển khai. Ưu tiên các sáng kiến, mô hình tình nguyện mới mang tính đột phá.

CHƯƠNG III: GIẢI THƯỞNG

 

Điều 5: Số lượng giải thưởng

- Giải thưởng chính do Hội đồng chung tuyển bình chọn, gồm:

+ 10 giải dành cho các tổ chức tình nguyện xuất sắc;

+ 10 giải dành cho tình nguyện viên xuất sắc.

- Giải thưởng phụ, gồm:

+ Giải tổ chức tình nguyện được cộng đồng bình chọn nhiều nhất qua mạng internet;

+ Giải cá nhân tình nguyện viên được cộng đồng bình chọn nhiều nhất qua mạng internet;

+ Giải đơn vị đề cử nhiều hồ sơ nhất.

Điều 6: Hình thức giải thưởng

1. Giải thưởng chính do Hội đồng chung tuyển bình chọn:

- Mười (10) giải dành cho tổ chức tình nguyện xuất sắc. Giải thưởng gồm: Tiền mặt hoặc hiện vật; Giấy chứng nhận đạt giải; Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

- Mười (10) giải dành cho tình nguyện viên xuất sắc. Giải thưởng gồm: Tiền mặt hoặc hiện vật; Giấy chứng nhận đạt giải; Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

2. Giải thưởng phụ:

- Giải tổ chức tình nguyện được cộng đồng bình chọn nhiều nhất qua mạng internet. Giải thưởng gồm: Tiền mặt hoặc hiện vật; Giấy chứng nhận.

- Giải cá nhân tình nguyện viên được cộng đồng bình chọn nhiều nhất qua mạng internet. Giải thưởng gồm: Tiền mặt hoặc hiện vật; Giấy chứng nhận.

- Giải đơn vị đề cử nhiều hồ sơ nhất: Giải thưởng bằng tiền mặt hoặc hiện vật; Giấy chứng nhận.

CHƯƠNG IV: QUY TRÌNH BÌNH CHỌN GIẢI THƯỞNG

 

Điều 7: Đề cử, ứng cử tham gia Giải thưởng

1. Triển khai đề cử, ứng cử:

- Các ban, đơn vị Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các cơ quan thuộc Liên hợp quốc tại Việt Nam và Ban Tổ chức giải thưởng đề cử các tập thể, cá nhân đủ tiêu chuẩn xét chọn qua phát hiện từ thực tiễn triển khai các hoạt động tình nguyện.

- Các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc, Hội LHTN Việt Nam các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan ở địa phương, đơn vị tổ chức truyền thông, giới thiệu các đề cử và tổng hợp danh sách đề cử gửi về Ban tổ chức Giải thưởng. Mỗi tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc, Hội LHTN Việt Nam các tỉnh, thành phố đề cử ít nhất 03 hồ sơ tập thể, 03 hồ sơ cá nhân tham gia Giải thưởng.

- Các cơ quan, tổ chức khác giới thiệu, đề cử và tổng hợp danh sách đề cử về Ban tổ chức giải thưởng, số lượng đề cử không hạn chế.

- Các tổ chức, cá nhân tự ứng cử tải hồ sơ đăng ký trên website của giải thưởng tại địa chỉ www.giaithuongtinhnguyen.vn hoặc www.tinhnguyen.org.vn và gửi trực tiếp về cơ quan tiếp nhận hồ sơ.

- Thời gian nhận hồ sơ từ 01/10 đến 31/10 hằng năm.

2. Hồ sơ đề cử xét trao giải:

- Công văn giới thiệu của cơ quan chủ quản hoặc đơn vị phát hiện đề cử, ứng cử (nếu có).

- Phiếu thông tin cá nhân/tổ chức (Mẫu 01)

- Báo cáo thành tích cá nhân/tổ chức (Mẫu 02)

- Các bài báo, các nhận xét hoặc thư giới thiệu của các tổ chức, cá nhân được thụ hưởng chương trình, hoạt động tình nguyện của các ứng cử, đề cử (nếu có).

- 01 ảnh chân dung cỡ 4 x 6 và 03 ảnh hoạt động tình nguyện cỡ 210mm x 297mm (A4) mà TNV tham gia (đối với cá nhân); 03 ảnh cỡ 210mm x 297mm (A4) về hoạt động tình nguyện do các tổ chức, CLB, đội, nhóm thực hiện trong năm 2014 (đối với tổ chức). Ảnh yêu cầu có chú thích kèm theo (khoảng 10 dòng nêu rõ tên cá nhân/tổ chức, hoạt động, hiệu quả, thời gian tổ chức, địa điểm tổ chức...). Chỉ sử dụng ảnh hoạt động đã được tổ chức trong năm ứng cử/đề cử tham gia Giải thưởng.

- Khuyến khích các cá nhân/tổ chức gửi video clip (dưới 10 phút) phản ánh các hoạt động trong năm tham gia giải thưởng.

- Văn bản cần trình bày bằng tiếng Việt, font chữ Times New Roman, cỡ chữ 14; bảng mã Unicode, kiểu gõ Telex.

- Ngoài hồ sơ hoặc tiêu đề thư điện tử cần ghi rõ: Tham gia Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia.

- Các cá nhân, tổ chức tham gia Giải thưởng phải cam kết với Ban Tổ chức về tính trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ của mình. Ban Tổ chức có quyền hủy kết quả và thu hồi Giải thưởng nếu phát hiện vi phạm. Mọi quyết định cuối cùng thuộc về Hội đồng bình chọn chung tuyển.

3. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ giải thưởng:

Trung tâm Thông tin Nguồn lực Tình nguyện Việt Nam (Trung tâm Tình nguyện Quốc gia), 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

- Điện thoại: 04.62631881;

- Fax: 04.62621885; Email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

- Website: www.giaithuongtinhnguyen.vn; www.tinhnguyen.org.vn

- Mạng xã hội: facebook.com/vvc.tnqg

Điều 8: Tổ chức sơ tuyển bình chọn

Căn cứ hồ sơ ứng cử, đề cử, Ban Tổ chức chỉ xét chọn tập thể, cá nhân đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định. Các bước để lựa chọn hồ sơ vào vòng bình chọn chung tuyển toàn quốc như sau:

- Bước 1: Đánh mã số hồ sơ.

- Bước 2: Công bố danh sách và tổ chức bình chọn trên trang web của Giải thưởng, thời gian bình chọn là 25 ngày, chậm nhất bắt đầu từ ngày 05/11 và kết thúc bình chọn trên mạng vào ngày 30/11 hằng năm.

- Bước 3: Ban Tổ chức sẽ lựa chọn 40 hồ sơ (20 tổ chức, 20 cá nhân) để trình lên Hội đồng bình chọn chung tuyển toàn quốc; trong đó, 20 hồ sơ (10 tổ chức và 10 cá nhân) được bình chọn nhiều nhất trên mạng, 20 hồ sơ (10 tổ chức và 10 cá nhân) do Ban Tổ chức Giải thưởng lựa chọn độc lập.

Điều 9: Tổ chức Hội đồng bình chọn chung tuyển toàn quốc

- Hội đồng bình chọn chung tuyển toàn quốc (sau đây gọi tắt là Hội đồng) do Ban Bí thư Trung ương Đoàn quyết định thành lập. Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, đại diện Chương trình tình nguyện Liên hợp quốc tại Việt Nam và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Căn cứ vào Quy chế giải thưởng và các tiêu chí, Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, trao đổi, thảo luận, đánh giá, so sánh cụ thể để quyết định các giải thưởng.

- Hội đồng biểu quyết theo đa số, trường hợp số phiếu biểu quyết ngang nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng.

Điều 10: Trao giải thưởng

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đơn vị chủ trì tổ chức Lễ trao Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia được tổ chức vào tháng 12 hoặc tuần đầu tháng 01 hàng năm và có thông báo cụ thể đến các cá nhân/tập thể được giải về thời gian, địa điểm tổ chức. Hình thức trao giải thưởng được tổ chức trang trọng, chu đáo tùy theo điều kiện thực tế.

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được nhận giải thưởng

Các tổ chức và cá nhân nhận giải sẽ được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Trung tâm Thông tin Nguồn lực Tình nguyện Việt Nam và các cấp bộ Đoàn, Hội bảo trợ, giới thiệu tham gia các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội và các hoạt động tình nguyện khác có liên quan; có nghĩa vụ xung kích, đi đầu tham gia tích cực các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng cũng như các hoạt động của Câu lạc bộ những người đạt Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia.

 

CHƯƠNG V: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 12: Tổ chức thực hiện

1. Ban Bí thư Trung ương Đoàn thành lập Ban Tổ chức Giải thưởng; giao Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn và Trung tâm Thông tin Nguồn lực Tình nguyện Việt Nam là cơ quan thường trực Giải thưởng có trách nhiệm phối hợp với Chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam triển khai tổ chức Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia theo đúng các quy định của Quy chế này.

2. Cơ quan thường trực Giải thưởng có trách nhiệm phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tốt các hoạt động truyền thông, quảng bá, cũng như các hoạt động khác nhằm thúc đẩy phong trào tình nguyện nhân dịp công bố và trao giải thưởng.

3. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có sửa đổi, bổ sung, cơ quan thường trực của giải thưởng có trách nhiệm tổng hợp, cáo cáo Ban Bí thư Trung ương Đoàn xem xét, quyết định.

 

TRUNG ƯƠNG ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH