loc nuoc | xu ly nuoc| khoan gieng | xu ly nuoc thai | day chuyen loc nuoc tinh khiet

 

Đánh giá tình trạng lưu kim luồn tĩnh mạch - Bệnh nhân nội trú

 

ĐÁNH GIÁ TÌNH TRẠNG LƯU KIM LUỒN TĨNH MẠCH NGOẠI BIÊN TRÊN NHỮNG BỆNH NHÂN NỘI TRÚ TẠI KHOA NHI, BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN BA VÌ NĂM 2014.

 

Mục lục:                                                                     

Các từ viết tắt                                                                        

1. Đặt vấn đề.                                                                       

2. Tổng quan tài liệu.

2.1. Phương tiện và kỹ thuật đặt kim luồn tĩnh mạch ngoại biên.

2.2. Những biến chứng thường gặp do đặt KLTMNB.

2.3. Nguyên nhân và các biện pháp phòng ngừa biến chứng.

2.4. Một số nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam.

3. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu.

3.1. Đối tượng nghiên cứu.

3.2. Phương pháp nghiên cứu.

3.3. Cách tiến hành nghiên cứu.

4. Kết quả nghiên cứu.

4.1. Tỷ lệ bệnh nhân lưu kim luồn tĩnh mạch.

4.2. Phân bố theo giới.

4.3. Phân bố theo nhóm tuổi.

4.4. Phân bố theo nhóm bệnh.

4.5. Phân bố theo một số bệnh chính.

4.6. Số lần lưu kim trong một đợt điều trị.

4.7. Biến chứng do đặt kim luồn.

4.8. Biến chứng do tắc KLTMNB.

4.9. Nhiễm khuẩn tại chỗ.

4.10. Nhiễm khuẩn huyết.

4.11. Viêm tĩnh mạch.

4.12. Mức độ viêm tĩnh mạch.

Các từ viết tắt:

          KLTM                          Kim luồn tĩnh mạch.

          KLTMNB                     Kim luồn tĩnh mạch ngoại biên.

          NKH                             Nhiễm khuẩn huyết.

          HSCC                           Hồi sức cấp cứu.

          ĐTTC                           Điều trị tích cực.

          CDC                             Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ

 

          HA                                Huyết áp

          TM                                Tĩnh mạch

1. Đặt vấn đề:

          Bệnh viện đa huyện khoa Ba vì là bệnh viện đa khoa hạng 2 của thành phố Hà nội (năm 2012), đang từng bước xây dựng cơ sở vật chất, tách các khoa, phòng mới, đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn và vùng lân cận.

          Những năm gần đây, bệnh viện phát triển thêm nhiều kỹ thuật mới trong công tác điều trị và chăm sóc người bệnh như: phẫu thuật nội soi, phẫu thuật trẻ dưới 6 tuổi, phẫu thuật cắt amidan…

          Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận và điều trị từ 18.000 - 20.000 bệnh nhân, trong đó 4.000 - 4.500 là trẻ em, chiếm 1/5 số bệnh nhân; bệnh nhân điều trị tại khoa nhi là 3.000 - 3.200 bệnh nhân( số liệu phòng kế hoạch tổng hợp năm 2013).

          Trong khoảng 10 năm gần đây, kim luồn tĩnh mạch ngoại biên (KLTMNB) đã được sử dụng, giúp cho việc đưa thuốc vào cơ thể được thuận lợi. Đã có nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước nghiên cứu về KLTMNB: hiệu quả sử dụng, những biến chứng thường gặp trên bệnh nhân, thời gian thay kim, có so sánh trên những loại kim luồn được làm từ các vật liệu khác nhau. Tuy nhiên, những công trình này chỉ nghiên cứu trên các bệnh nhân nặng tại các khoa điều trị tích cực( ĐTTC), hồi sức cấp cứu( HSCC) hay các bệnh nhân phẫu thuật tại khoa Ngoại, HSCC Ngoại, là những bệnh nhân phải trải qua nhiều can thiệp với nhiều yếu tố nguy cơ mà chưa có công trình nào nghiên cứu đồng loạt trên tất cả các bệnh nhân nằm điêù trị nội trú có chỉ định dùng thuốc đường tĩnh mạch.

          Tại bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, KLTM được sử dụng cho bệnh nhân điều trị nội trú 5 năm trở lại đây; chủ yếu trên những bệnh nhân nặng, bệnh nhân già yếu và trẻ em.

          Tại khoa nhi bệnh viện, 2 năm nay đã tiến hành lưu KLTMNB thường quy cho trẻ nằm điều trị nội trú, có chỉ định dùng thuốc đường tĩnh mạch, đã đem lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt trong những trường hợp cấp cứu cần xử trí thuốc ngay, theo đường tĩnh mạch, hiệu quả thuốc tức thì; việc có sẵn đường vein sẽ tạo thuận lợi cho thao tác chuyên môn rất nhiều. Bên cạnh những lợi ích trong thực hành chuyên môn như: tiết kiệm thời gian, giảm áp lực công việc, có nhiều thời gian để chăm sóc bệnh nhân, bệnh nhi cũng giảm số lần phải lấy vein, giảm sự sợ hãi cho trẻ mỗi khi phải nằm viện điều trị và tạo tâm lý thoải mái cho gia đình bệnh nhân. Không những vậy, điều dưỡng trong khoa còn giúp đỡ đồng nghiệp tại những khoa khác có bệnh nhi nằm điều trị trong việc lưu kim. Những lợi ích của kim luồn đã được chứng minh.Tuy nhiên, khi sử dụng KLTMNB cũng thấy xuất hiện một số biến chứng như: nhiễm khuẩn tại chỗ, viêm tĩnh mạch hay tắc kim Tuy vậy, tại bệnh viện, chưa có nghiên cứu nào đánh giá tình hình sử dụng KLTMNB, tổng kết, đánh giá những lợi ích, những tai biến của việc đặt KLTMNB. Vì vậy, chúng tôi tiến hành đề tài” Đánh giá tình trạng lưu KLTMNB trên những bệnh nhân nội trú tại khoa Nhi, bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì năm 2014” với mục tiêu sau:

  1. 1.Xác định tỷ lệ lưu KLTMNB thường quy ở những bệnh nhi điều trị nội trú tại khoa nhi bệnh viện Ba vì.
  2. 2.Xác định tỷ lệ biến chứng trong quá trình lưu KLTMNB, từ đó đánh giá mức độ an toàn, đề xuất biện pháp phòng ngừa, để kỹ thuật lưu KLTMNB trở thành thường quy toàn bệnh viện.

2. Tổng quan tài liệu:

2.1. Phương tiện và kỹ thuật đặt kim luồn tĩnh mạch ngoại biên (KLTMNB):

- KLTMNB là loại ống có chiều dài nhỏ hơn 8 cm, làm bằng vật liệu tổng hợp, được đặt vào trong lòng tĩnh mạch ngoại biên của bệnh nhân nhằm cung cấp dịch hay thuốc.

          - Nghiên cứu của chúng tôi sử dụng KLTMNB của hãng Brawn, được làm bằng vật liệu tổng hợp, kích thước theo tuổi của bệnh nhân:

                   + Trẻ < 1 tuổi: dùng kim luồn 24G.

                   + Trẻ từ 1 đến 15 tuổi: dùng kim luồn 22G.

          -Cấu tạo KLTMNB:

nhi 1

Nguyên lý sử dụng

nhi 2

Kỹ thuật đặt KLTMNB:

         - Thời gian lưu kim: tính từ khi đưa kim vào đến khi rút kim ra khỏi lòng mạch máu. Trong nghiên cứu của chúng tôi, áp dụng khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ( CDC), thời gian lưu kim là 72 giờ hoặc ngắn hơn khi có biến chứng.

- Chỉ định thay kim luồn: nghiên cứu của chúng tôi thay kim luồn sau 72 giờ hoặc khi có biến chứng trên lâm sàng.

2.2. Những biến chứng do đặt KLTMNB:

2.2.1. Nhiễm khuẩn huyết:

Do không có điều kiện phân lập và nuôi cấy vi khuẩn, chúng tôi sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết trên lâm sàng của CDC 2006; phải có ít nhất một trong các tiêu chuẩn sau:

- Tiêu chuẩn 1: lâm sàng người bệnh có ít nhất một trong những triệu chứng sau mà không tìm thấy nguyên nhân nào khác: sốt ≥ 38oC, tụt huyết áp( HA tâm thu < 90 mmHg), vô niệu. Và tất cả những điều kiện sau: không thực hiện cấy máu hoặc không tìm ra tác nhân gây bệnh hoặc kháng nguyên của chúng từ máu; không nhiễm khuẩn tại vị trí khác; bác sĩ cho chẩn đoán và điều trị kháng sinh theo hướng NKH.

- Tiêu chuẩn 2: lâm sàng, bệnh nhân nhỏ hơn 1 tuổi, có ít nhất một trong các dấu hiệu và triệu chứng dưới đây: sốt ≥ 38oC, hạ thân nhiệt < 36oC, ngưng thở, tim đập chậm mà không tìm ra nguyên nhân nào khác. Và tất cả những điều kiện sau: không thực hiện cấy máu hoặc không tìm thấy tác nhân gây bệnh hoặc kháng nguyên của chúng từ máu và không có nhiễm khuẩn tại vị trí nào khác.

 

2.2.2. Viêm tắc tĩnh mạch:

Viêm tĩnh mạch được chia thành các độ sau:

Độ 0: không có biểu hiện viêm tắc tĩnh mạch trên lâm sàng.

Độ 1: đau hoặc đỏ da nhưng không sưng, không cứng, không sờ thấy thừng tĩnh mạch .

          Độ 2: đau và đỏ da hoặc đau và sưng nhưng không cứng, không sờ thấy thừng tĩnh mạch.

Độ 3: đau+ đỏ da+ sưng và cứng hoặc sờ thấy đoạn tĩnh mạch dài < 4cm dọc đường đi tĩnh mạch từ vị trí đặt kim.

Độ 4: đau+ đỏ da+ sưng+ cứng+ sờ thấy tĩnh mạch ≥ 4cm tính từ vị trí đặt kim.

 

2.2.3. Nhiễm khuẩn tại chỗ:

- Chảy mủ tại vị trí đặt.

- Có dấu hiệu hay triệu chứng viêm trong phạm vi 2 cm kể từ vị trí đặt: sốt ≥ 38o C, sưng, nóng, đỏ, đau.

2.2.4. Tắc KLTMNB:

Khi kiểm tra KLTMNB bằng bơm dung dịch natriclorid 0,9% không thông được KLTMNB.

2.3. Nguyên nhân và cách phòng ngừa biến chứng khi đặt KLTMNB:

2.3.1. Nguyên nhân: có nhiều yếu tố làm tăng tỷ lệ biến chứng trên những bệnh nhân đặt kim luồn tĩnh mạch, bao gồm:

          - Yếu tố người bệnh: người bệnh bị suy giảm miễn dịch: phẫu thuật, sử dụng corticoid, sơ sinh non yếu, nhiễm khuẩn ngoài da hay tổn thương da hở hoặc trẻ suy dinh dưỡng.

          - Yếu tố can thiệp: hạng bệnh viện, khoa điều trị, loại KLTMNB, kỹ thuật đặt, thời gian lưu kim.

          - Vị trí đặt kim, thời điểm đặt: cấp cứu hay có kiểm soát.

          - Không đảm bảo nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật về vô khuẩn.

2.3.2 Các biện pháp phòng ngừa biến chứng:

          - Giáo dục và đào tạo nhân viên y tế về: chỉ định, kỹ thuật đặt kim và chăm sóc KLTM, những biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm làm giảm các biến chứng.

          - Cơ sở khám, chữa bệnh: định kỳ đánh giá, kiểm tra sự tuân thủ của nhân viên y tế có liên quan đặt và chăm sóc KLTMNB.

          - Ưu tiên vị trí đặt kim ở chi trên.

          - Kiểm tra KLTMNB hàng ngày, rút bỏ khi có dấu hiệu biến chứng, tránh làm nhiễm khuẩn nặng lên.

          - Rút bỏ ngay KLTMNB khi thấy không còn cần thiết trong chẩn đoán và điều trị

          - Đảm bảo đúng kỹ thuật vô trùng, đặc biệt là sát khuẩn da tại vị trí đặt kim bằng cồn 70o, sát khuẩn cửa bơm thuốc khi đưa thuốc vào hệ thống và vệ sinh bàn tay nhân viên y tế khi làm thủ thuật: rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, có đủ mũ, khẩu trang, găng tay sạch.

2.4. Một số nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam:

- Trong nước cũng như trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về kim luồn và biến chứng của việc lưu kim luồn trên bệnh nhân. Theo nghiên cứu Nguyễn Ngọc Rạng và các cộng sự tại bệnh viện An Giang, tỉ lệ viêm tĩnh mạch ở nhóm thay kim luồn tĩnh mạch thường quy là 11%( nhóm chứng là 20.3%)

- Cũng theo nghiên cứu của Anabela.S.O và cộng sự đăng trên tạp chí Journal of Advanced Nursing volume 30 number 2, tỉ lệ viêm tĩnh mạch khoảng 11.09%, trong đó chủ yếu là độ 1 và 2.

3. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:

3.1. Đối tượng nghiên cứu:

Tất cả những bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa nhi, có chỉ định dùng thuốc bằng đường tĩnh mạch, từ tháng 7 năm 2014 đến tháng 10 năm 2014.

3.2. Phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang

          - Địa điểm nghiên cứu: khoa nhi, bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì.

          - Thời gian nghiên cứu: từ ngày 1 tháng 7 năm 2014 đến ngày 31 tháng 10 năm 2014.

          - Cỡ mẫu: căn cứ trên số lượng bệnh nhân hàng năm, chúng tôi tính toán cỡ mẫu: n = 500 bệnh nhân.

          - Phương pháp chọn mẫu: chọn mẫu toàn bộ.

        - Xây dựng biểu mẫu thống kê: thu thập số liệu qua các chỉ số: tỷ lệ bệnh nhân đặt kim luồn, tuổi, giới, theo nhóm bệnh, sô lần đặt kim, tỷ lệ các biến chứng.

          - Họp nhóm nghiên cứu thống nhất các tiêu chuẩn, phương pháp thu thập số liệu

         -Tiến hành thu thập số liệu theo biểu mẫu: tổng số bệnh nhân nằm viện, danh sách bệnh nhân lưu kim, quan sát tình trạng vị trí lưu kim hàng ngày, nhiệt độ bệnh nhân, đánh giá biến chứng, mức độ dựa trên các tiêu chuẩn mà nghiên cứu đưa ra ở phần tổng quan.

         -Phân tích, xử lý số liệu bằng phần mềm thống kê y học SPSS 16.0

3.3. Cách tiến hành nghiên cứu:

         - Bệnh nhân được chọn vào nghiên cứu, chúng tôi tiến hành đặt KLTMNB cho bệnh nhân theo đúng quy trình kỹ thuật, ghi ngày, giờ đặt, họ tên điều dưỡng thực hiện vào phiếu thu thập thông tin bệnh nhân và dán vào bệnh án theo dõi trong cả quá trình điều trị nội trú.

          - Hàng ngày, trước khi thực hiện y lệnh thuốc, điều dưỡng kiểm tra kim và xung quanh vị trí đặt kim để kịp thời phát hiện các biến chứng.

         - Bệnh nhân được thay kim sau 72 giờ hay khi có biến chứng.

- Thời gian lưu kim được tính từ lúc đặt kim vào lòng mạch đến khi rút kim ra khỏi lòng mạch.

         - Khi có biến chứng, tiến hành mô tả, đánh giá mức độ biến chứng, ghi vào phiếu thu thập thông tin và xử lý biến chứng khi có chỉ định.

- Kết quả nghiên cứu được tổng hợp theo tháng.

4. Kết quả nghiên cứu:

4.1. Tỷ lệ bệnh nhân lưu kim luồn:

Bảng 4.1

 

Số bệnh nhân

Tỷ lệ %

Số bệnh nhân lưu KLTMNB

503

46.88%

Số bệnh nhân điều trị nội trú

1073

100%

- Bệnh nhân lưu kim là 503 bệnh nhân, đạt tỷ lệ 46.88% bệnh nhân điều trị nội trú.

4.2. Phân bố theo giới:

Bảng 4.2

 

 

    Số bệnh nhân

   Tỷ lệ %

Nam

306

60.8%

Nữ

197

39.2%

Tổng số

503

100%

- Trong số bệnh nhân lưu kim thì số bệnh nhân nam chiếm nhiều hơn, 306 bệnh nhân, đạt 60.8%.

4.3. Phân bố theo tuổi:

Bảng 4.3

Nhóm tuổi

Số lượng

Tỷ lệ %

                  < 1 tuổi

245

48.7%

1-6 tuổi

245

48.7%

             > 6 tuổi

13

2.6%

     Tổng số

503

100%

 

Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ lưu kim tập trung chủ yếu ở nhóm bệnh nhân dưới 6 tuổi, chiếm 97.6%. Điều này cũng phù hợp, vì những bệnh nhân nhập viện tại khoa nhi chủ yếu ở lứa tuổi này.

 

 4.4. Phân bố theo nhóm bệnh:

 

Bảng 4.4

 

Số lượng

Tỷ lệ %

Nhóm bệnh hô hấp

446

88.67%

Nhóm bệnh khác

57

11.33%

Tổng số

503

100%

 Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ lưu kim ở nhóm bệnh hô hấp chiếm tỷ lệ cao so với những nhóm bệnh khác, chiếm 88.67%. Do bệnh viện Ba Vì là bệnh viện mới lên hạng 2, nên phạm vi điều trị vẫn chủ yếu là các bệnh lý thông thường . Trong đó , bệnh lý hô hấp có chỉ định dùng thuốc đường TM cao nhất.

 

4.5. Phân bố theo một số bệnh chính:

 Bảng 4.5

 

Số lượng

Tỷ lệ %

Viêm phổi

299

59.44%

Viêm tiểu phế quản

61

12.13%

Viêm phế quản

50

9.94%

Hen phế quản

36

7.16%

Bệnh khác

57

11.33%

Tổng số

503

100%

Trong các bệnh hay gặp thì bệnh viêm phổi được lưu kim nhiều nhất: 299 bệnh nhân, đạt 59.44%.

 

 4.6. Số lần đặt KLTMNB trong một đợt điều trị:

Bảng 4.6

 

< 1 tuổi

1-    6 tuổi

>6 tuổi

Tổng số

     1 lần

Số bn

15

45

0

60

Tỷ lệ %

2.98%

8.95%

0%

11.93%

     2 lần

Số bn

110

80

13

203

Tỷ lệ %

21.87%

15.9%

2.6%

40.37%

     3 lần

Số bn

80

90

0

170

Tỷ lệ %

15.9%

17.89%

0%

33.79%

     4 lần

Số bn

40

25

0

65

Tỷ lệ %

7.95%

4.97%

0%

12.92%

     5 lần

Số bn

0

5

0

5

Tỷ lệ %

0%

0.99%

0%

0.99%

   Tổng số

Số bn

245

245

13

503

Tỷ lệ %

48.7%

48.7%

2.6%

100%

Nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân lưu kim 2 lần chiếm tỷ lệ cao nhất, 203 trường hợp, đạt 40.37%; sau đó là bệnh nhân lưu 2 lần, với 170 trường hợp, chiếm 33.79%. Số lần lưu kim nhiều nhất là 5 lần, chiếm 0.99%.

4.7. Biến chứng do đặt kim luồn: trong nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận 104 trường hợp biến chứng, chiếm 20,68%, phân bố như sau:

Bảng 4.7

 

Số lượng

Tỷ lệ %

Tắc KLTMNB

41

39.42%

Nhiễm khuẩn tại chỗ

12

11.54%

Nhiễm khuẩn huyết

0

0%

Viêm tĩnh mạch

51

49.04%

Tổng số

104

100%

Chúng tôi không gặp trường hợp nhiễm khuẩn huyết nào trong nghiên cứu, biến chứng tắc kim và viêm tĩnh mạch chiếm tỷ lệ cao: 39.42% và 49.04%.

 

4.8. Tai biến do tắc KLTMNB: số bệnh nhân tắc KLTMNB là 41 trường hợp, chiếm 8.15%, phân bố như sau:

Bảng 4.8

 

                 Nam

                 Nữ

         Tổng số

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ%

< 1 tuổi

15

36.59%

10

24.39%

25

60.98%

1- 6 tuổi

9

21.95%

7

17.07%

16

39.02%

6- 15 tuổi

0

0%

0

0%

0

0%

Tổng số

24

58.54%

17

41.46%

41

100%

 

4.9. Nhiễm khuẩn tại chỗ:

Bảng 4.9

 

                 Nam

                Nữ

       Tổng số

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ%

< 1 tuổi

3

25%

0

0%

3

25%

1- 6 tuổi

9

75%

0

0%

9

75%

6- 15 tuổi

0

0%

0

0%

0

0%

Tổng số

12

100%

0

0%

12

100%

Trong nghiên cứu này, chúng tôi gặp 12 trường hợp nhiễm khuẩn tại chỗ, chiếm tỷ lệ: 2.39%.

4.10. Nhiễm khuẩn huyết:

Trong nghiên cứu của chúng tôi không ghi nhận trường hợp nhiễm khuẩn huyết trên lâm sàng.

 

4.11 Viêm tĩnh mạch: chúng tôi ghi nhận 51 trường hợp viêm tĩnh mạch, chiếm tỷ lệ 10.14%, phân bố theo tuổi và giới tính như sau:

Bảng 4.11

 

                 Nam

                 Nữ

Tổng số

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

< 1 tuổi

27

52.94%

9

17.65%

36

70.59%

1- 6 tuổi

9

17.65%

6

11.76%

15

29.41%

6- 15 tuổi

0

0%

0

0%

0

0%

Tổng số

36

70.59%

15

29.41%

51

100%

Nhóm bệnh nhân dưới 6 tuổi gặp viêm tĩnh mạch nhiều nhất, với 36 trường hợp, chiếm 70,59%, nhóm bệnh nhân trên 6 tuổi không gặp trường hợp nào; nam chiếm nhiều hơn nữ, với tỷ lệ nam/nữ : 36/15.

 

 

4.12. Mức độ viêm TM:

Bảng 4.12

 

Độ 1

Độ 2

Độ 3

Độ 4

Tổng số

Số bn

%

Số bn

%

Số bn

%

Số bn

%

Số bn

%

< 1 tuổi

9

17.65%

21

41.18%

6

11.76%

0

0%

36

70.59%

1- 6 tuổi

3

5.88%

9

17.65%

3

5.88%

0

0%

15

29.41%

6- 15 tuổi

0

0%

0

0%

0

0%

0

0%

0

0%

Tổng số bệnh nhân

12

23.53%

30

58.83%

9

17.64

0

0%

51

100%

Trong những bệnh nhân có biến chứng viêm tĩnh mạch, chủ yếu gặp viêm TM độ 1 và 2, với 42 trường hợp, chiếm 82.36%. Chúng tôi không gặp trường hợp nào viêm TM độ 4.

5. Bàn luận và kiến nghị: dựa trên kết quả nghiên cứu, chúng tôi đưa ra những nhận xét sau:

- Bệnh nhân lưu kim đạt tỷ lệ 46.88% tổng số bệnh nhân nằm viện( 503 trường hợp), trong đó bệnh nhân nam là 306 trường hợp, chiếm 60.8%.

- Trong những bệnh nhân lưu kim, nhóm bệnh nhân dưới 6 tuổi là 490 trường hợp, đạt 97.4%. Điều này cũng phù hợp vì những bệnh nhân vào điều trị tại khoa nhi chủ yếu thuộc lứa tuổi này.

- Phân bố theo nhóm bệnh thì nhóm bệnh hô hấp chiếm tỷ lệ 88.67%; trong đó bệnh nhân lưu kim cao nhất trong bệnh viêm phổi: 299 trường hợp, đạt 59.44%. Là bệnh viện đa khoa hạng 2, bệnh lý hô hấp và tiêu hóa là hai nhóm bệnh chính, trong đó nhóm bệnh hô hấp có chỉ định dùng thuốc đường tĩnh mạch cao, chủ yếu là thuốc kháng sinh.

- Trong số những bệnh nhân nằm viện được lưu kim, nhóm bệnh nhân lưu kim 2,3 lần trong một đợt điều trị chiếm tỷ lệ cao nhất, 373 trường hợp, chiếm 74,16%. Kết quả này cũng phù hợp vì bệnh nhân vào điều trị chủ yếu là các bệnh hô hấp đơn thuần, không kèm thêm các bệnh lý phức tạp, ngày điều trị trung bình khoảng 5 – 7 ngày.

- Tỷ lệ biến chứng chung trong nghiên cứu của chúng tôi là 20.68%, trong đó cao nhất là tắc KLTMNB: 41 trường hợp, chiếm 39.42% và viêm tĩnh mạch: 51 trường hợp, chiếm 49.04%. Không gặp trường hợp nhiễm khuẩn huyết nào trong nghiên cứu này,vì bệnh nhân lưu kim trong nghiên cứu của chúng tôi không phải can thiệp nhiều thủ thuật, không có nhiều các yếu tố nguy cơ, thời gian nằm viện ngắn.

- Bệnh nhân viêm tĩnh mạch gặp 51 trường hợp, chiếm 10,14% tổng số bệnh nhân lưu kim, kết quả này của chúng tôi tương tự với tác giả Nguyễn Ngọc Rạng và cộng sự ở bệnh viện An Giang là 11%[3] và Anabela và cộng sự là 10.09%[4]. Trong đó chủ yếu là viêm TM độ 1 và 2, chiếm 82.36%. Nhóm tuổi hay gặp viêm tĩnh mạch nhất là dưới 1 tuổi: 36 trường hợp, chiếm 70.59%. Những bệnh nhân có biến chứng được theo dõi và hồi phục hoàn toàn mà không cần can thiệp điều trị.

- Tóm lại, bệnh nhân lưu kim chiếm gần 50% bệnh nhân điều trị nội trú và chủ yếu là bệnh nhân viêm phổi, chủ yếu là nhóm dưới 6 tuổi. Tỷ lệ biến chứng chung là 20.68%, viêm tĩnh mạch chiếm 10.14%.

- Lưu KLTMNB là thủ thuật thể hiện sự thuận lợi trong thực hành lâm sàng của điều dưỡng, giúp điều dưỡng có nhiều thời gian chăm sóc bệnh nhân hơn. Với tỷ lệ biến chứng thấp, có thể chấp nhận được, lưu KLTMNB nên được tiến hành thường quy tại khoa nhi và các khoa lâm sàng khác của bệnh viện.

- Để ngăn ngừa các biến chứng trên bệnh nhân lưu kim, nhân viên y tế cần đảm bảo tuân thủ đúng quy trình chuyên môn, nâng cao năng lực, sự thuần thục trong việc lưu kim, phát huy vai trò của phòng điều dưỡng và khoa kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên y tế, có kế hoạch giám sát định kỳ việc tuân thủ quy trình chuyên môn.

 

     6.Tài liệu tham khảo:

[1] Bộ y tế, Hướng dẫn phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân đặt catheter trong lòng mạch( ban hành kèm theo quyết định số: 3671/QĐ- BYT ngày 27 tháng 9 năm 2012 của Bộ Y tế).

[2]. Hồ Khả Cảnh, Lê Hồng Chính; So sánh chất lượng hai loại catheter tĩnh mạch ngoại biên Vialon và Teflon trong đặt đường truyền nuôi dưỡng tĩnh mạch; Y học thực hành( 644+ 645)- số 2/2009.

[3] Nguyễn Ngọc Rạng và cộng sự, Có nên thay kim luồn tĩnh mạch thường quy mỗi 72 giờ?; hội nghị khoa học điều dưỡng bệnh viện An Giang năm 2013.

[4]. A.Salgueiro- Oliveira, P. Veiga, P. Parreira; Incidence of phlebitis in patients with peripheral intravenous catheters: The influence of some risk factors; Australian journal of advanced nursing Volume 30 Number 2.

[5]. B. Prunet, E. Meaudre, A. Montcriol, Y. Asencio, J. Bodes, G. Lacroix, E. Kaiser; A prospestive Randomised Trial of Two Safety Peripheral Itravenous Catheters; Anesth Analg 2008, 107:155- 8.

[6] F. Sarafzadeh, G. Sepehri, M. Yazdizadeh; Evaluation of the severity of peripheral intravenous catether related phlebitis during one year period in an Iranian education hospital, Kerman, Iran; Annals of Biological Research, 2012, 3(10): 4741- 4746.

[7]. G. Cicolini, A.P. Bonghi, L.D. Labio, R.D. Mascio; Position of peripheral venous cannulae and the incidence of thrombophlebitis: an observational study, Journal of Advanced Nursing 65(6), 1268- 1273.

[8]. J. Webster, S. Clarke, D. Paterson, A. Hutton, S. v. Dyk, C Gale and T. Hopkins; Routine care of peripheral intravenous catheter versus clinically indicated replacement: randomised controlled trial ; BMJ 2008;337;a339.

[9]. L.S. da Silva, M.H.Barbato, G.S.C. Valente; Nurses production regarding peripheral venous catheter used in pediatric procedures: systematic review; Journal of Nursing UFPE on line, 7(4): 1195-203, Apr., 2013.

[10]. P. Kaur, R. Thakur, S, Kaur, A. Bhalla; Assessment of risk factors of phlebitis amongst intravenous cannulated patients; Nursing and Midwifery Research Journal, Vol-7, No.3, July 2011

[11]. R.L. Stuart, D.R.M. Cameron, C. Scott, D. Kotsanas, M.L. Grayson, T.M. Korman, E.E. Gillespie, P.D.R. Johnson; Peripheral intravenous catheter- associated Staphylococcus aureus bacteraemia: more than 5 years of prospective data from two tertiary services; MJA 2013;198: 551-553.

 

7. Dự trù kinh phí:

STT

Nội dung

Diễn giải

Thành tiền

1

Tập huấn nhóm nghiên cứu

1 ngày x 100.000 VNĐ x 03 người

300.000 VNĐ

2

Phiếu thu thập thông tin nghiên cứu

500 tờ x 500 VNĐ

250.000 VNĐ

3

Tài liệu tham khảo

10 bộ x 30.000 VNĐ

300.000 VNĐ

4

In ấn đề cương

1000 VNĐ/ trang x 15tr x 7

105.000 VNĐ

5

In ấn báo cáo đề tài

1000 VNĐ/ trang x 15tr x 7

105.000 VNĐ

6

Thu thập số liệu

100.000 VNĐ/ tuần x 17 tuần x 3 người

5.100.000 VNĐ

 

Tổng số

 

6.160.000 VNĐ

( Bằng chữ: sáu triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng chẵn)

 


Tin cũ hơn: