Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có 4 týp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4, trong đó týp DEN-2 hay gây các trường hợp bệnh nặng. Vi rút truyền bệnh từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.
Muỗi Aedes aegypti là một loại muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết, sinh sản thuận lợi ở những ổ nước đọng, những vật dụng chứa nước gần nhà. Muỗi hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới đốt người và truyền bệnh. Thời gian muỗi hoạt động chủ yếu vào lúc gần tối và sáng sớm. Điều kiện thời tiết nóng ẩm mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển.
Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có bệnh sốt xuất huyết Dengue lưu hành. Có khoảng từ 2,3-3 tỷ người có nguy cơ mắc bệnh do sống trong vùng có muối truyền bệnh. Hàng năm trên thế giới có khoảng 50-100 triệu người mắc bệnh. Tỷ lệ tử vong do bệnh này khoảng 2,5%.
Tại Việt Nam, bệnh xảy ra nhiều ở các tỉnh phía Nam, xảy ra có tính chất chu kỳ ở phía Bắc. Bệnh có xu hướng tăng cao từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, tập trung nhiều nhất vào các tháng 8, 9, 10. Tại hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2023 do Bộ Y tế tổ chức vừa diễn ra tại Bình Định, 4 tháng đầu năm cả nước đã ghi nhận được 25.490 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2 lần so với cùng kỳ năm trước).Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 18/8/2023, miền Bắc ghi nhận hơn 10.000 ca sốt xuất huyết, trong đó Hà Nội chiếm 40%. Dự kiến đỉnh dịch tại Hà Nội rơi vào tháng 9,10. Từ đầu năm đến ngày 15/8/2023 trên địa bàn huyện Ba Vì có 119 ca mắc sốt xuất huyết tại 25/31 xã, thị trấn. Ghi nhận 6 ổ dịch tại 6 xã gồm Tây Đằng, Châu Sơn, Ba Trại, Tản Hồng, Vật Lại, Tiên Phong. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì ngày 22/8/2023 có 21 trường hợp người bệnh sốt xuất huyết đang điều trị, trung bình mỗi ngày có từ 1-5 trường hợp cần nhập viện do sốt xuất huyết và đang có xu hướng tăng lên. Một số trường hợp đã được xác định nguyên nhân gây bệnh là do týp DEN-1 và DEN-2 là týp Dengue hay gây những thể bệnh nặng.
Triệu chứng của bệnh xuất hiện khởi đầu với sốt cao đột ngột, người mệt mỏi rũ rượi, đau đầu, đau nhức sau hốc mắt, đau mỏi cơ khớp, bệnh nhân có thể có đau họng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Giai đoạn tiếp theo, có thể xuất hiện các triệu chứng của xuất huyết như xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh, rong huyết, nặng hơn có thể xuất huyết tiêu hoá, đi tiểu ra máu, xuất huyết não...Diễn biến nặng thường gặp vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 của bệnh với dấu hiện của thoát huyết tương gây cô đặc máu dẫn đến suy tuần hoàn, xuất hiện tràn dịch các màng như màng phổi, màng bụng, màng tim...hoặc những biểu hiện của xuất huyết nặng hoặc có biểu hiện của suy tạng như suy gan, suy thận, viêm cơ tim, suy tim, hôn mê trong sốt xuất huyết thể não...có nguy cơ cao dẫn đến tử vong.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết Dengue. Khi người bệnh có các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết Dengue nên đến các cơ sở y tế để được làm xét nghiệm xác định cũng như được tư vấn về điều trị, thường trong 3 ngày đầu xử trí các triệu chứng sốt như lau người bằng nước ấm hoặc cho uống paracetamol, bù nước bằng uống dung dịch ORS, nâng cao thể trạng. Không dùng các thuốc để hạ sốt như Aspirin, ibuprofen hoặc corticoid. Khi người bệnh xuất hiện các dấu hiệu như: vật vã, lừ đừ, li bì; da nổi vân tím, nhớp nháp mồ hôi; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan; nôn nhiều; xuất huyết niêm mạc; đi tiểu ít, xuất huyết nội tạng; khó thở, rối loạn tri giác, tụt huyết áp...cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, theo dõi và điều trị.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue chưa có vắc xin phòng bệnh. Để phòng tránh bị bệnh cần phải triển khai đồng loạt một số biện pháp như: đậy kín các dụng cụ chứa nước, giảm tối đa các vật dụng có thể chứa nước (lốp xe cũ, lon nước ngọt, chén bát cũ...); có thể thả cá để ăn bọ gậy trong các bể nước; phát quang bụi rậm, sử dụng hoá chất diệt muỗi... Đối với cá nhân cần đảm bảo phòng tránh muỗi đốt bằng các biện pháp như: mặc quần áo để hạn chế muỗi đốt, nằm ngù phải mắc màn, sử dụng màn được ngâm tẩm vào dung dịch hoá chất diệt côn trùng, dùng hương diệt muỗi, bình xịt muỗi, sử dụng một số dầu thực vật như dầu xả, dầu cây cỏ tranh bôi vào cơ thể để xua muỗi.
Bài viết được viết bởi TS. BS Phạm Bá Hiền - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì.
- 03/01/2024 07:51 - CHỦ ĐỘNG PHÒNG BỆNH CÚM MÙA
- 17/03/2021 10:56 - Đau tinh hoàn - Đừng chủ quan các bạn nhé
- 10/03/2021 11:14 - Những thông tin cần biết khi người bệnh nhập viện điều trị
- 10/03/2021 11:01 - Những điều cần biết với bệnh nhân phẫu thuật
- 26/12/2014 06:49 - Lợi ích của sữa đậu nành đối với trẻ
- 26/12/2014 06:46 - Tác dụng rất tốt của trái lê cho sức khỏe