loc nuoc | xu ly nuoc| khoan gieng | xu ly nuoc thai | day chuyen loc nuoc tinh khiet

 

CHỦ ĐỘNG PHÒNG BỆNH CÚM MÙA

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tác nhân gây bệnh cúm mùa thường gặp là vi rút Cúm A/H3N2, A/H1N1 và Cúm B.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ mang thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, thậm chí gây tử vong.

Các biểu hiện hay gặp của bệnh cúm như: Sốt, đau nhức cơ toàn thân, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.

Các đối tượng nguy cơ dễ mắc cúm biến chứng bao gồm:

+ Trẻ em: dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.

+ Người già trên 65 tuổi

+ Phụ nữ có thai

+ Người mắc các bệnh mạn tính

+ Người bị suy giảm miễn dịch (người đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS)

Bệnh cúm mùa thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch,..thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Đối với phụ nữ mang thai, biến chứng bệnh cúm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm trong 3 tháng đầu như sảy thai hoặc bệnh lý thai nhi.

Trong mùa Đông Xuân, thời tiết thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, có nhiều nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa. Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, nên khi có các triệu chứng nghi ngờ cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Về điều trị bệnh cúm mùa: người bệnh nghi ngờ hoặc mắc bệnh cúm mùa cần phải cách ly, đeo khẩu trang để tranh lây lan cho những người xung quanh. Sử dụng thuốc hạ sốt (Paracetamol) khi sốt cao trên 38,50C, uống nhiều nước, đảm bảo chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Việc sử dụng thuốc kháng vi rút cần theo sự chỉ định của bác sĩ. Thuốc kháng vi rút chỉ được sử dụng cho những trường hợp người bệnh có biến chứng hoặc có nguy cơ diễn biến nặng.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, người dân nên thực hiện những việc sau:

+ Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người nghi nhiễm cúm

+ Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

+ Vệ sinh hô hấp khi ho khạc

+ Tránh tập trung đông người

+ Nên đi tiêm phòng cúm hàng năm, đặc biệt là những người trong nhóm nguy cơ.

Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì có chức năng khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn huyện Ba Vì và các vùng lân cận. Bệnh viện có khoa Truyền nhiễm chuyên tiếp nhận và điều trị các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh cúm mùa. Khi người dân có các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi,…không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà mà cần tới cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Người bệnh khi đến khám sẽ được thăm khám, xét nghiệm để xác định tình trạng bệnh. Nếu bệnh nhân mắc bệnh cúm mùa, sẽ được tư vấn và hướng dẫn điều trị phù hợp.

Địa chỉ: Xã Đồng Thái - Huyện Ba Vì - Thành phố Hà Nội.

Website: https://www.benhviendakhoabavi.com/